Cảm nhận về Truyện Tây Bắc của Tô Hoài

Tôi từng không mấy mặn mà với văn học. Điểm văn tệ càng củng cố “sự ghét” của tôi đối với dòng sách ấy. Phải nói là ghét, bởi đối với tôi, đọc thể loại đó là một hành động mất thời gian: “Mấy cuốn đó ư? Dài dòng, hư ảo và xa rời thực tế.” Một thời gian dài như thế, tôi mê truyện, mê sách khoa học, mê game, mà chẳng buồn đọc sách văn học.

Một ngày kia điều bất ngờ xảy đến khi mẹ tặng tôi quà sinh nhật là quyển sách mang tên Truyện Tây Bắc. Đó là quyển sách văn học đầu tiên tôi đặt lên kệ. Cứ để đó thôi, tôi cũng chẳng đọc. Nhưng tôi cứ thấy có lỗi, sợ mẹ buồn, mẹ cất công mua cho tôi mà! Thế là tôi lấy ra đọc thử vài trang. Bạn biết không, quyển sách ấy đã thay đổi con người tôi sau này đấy!

Giới thiệu sơ lược

Truyện Tây Bắc lần đầu in vào năm 1953. Quyển tôi đọc được tái bản vào năm 2020 bởi nhà xuất bản Kim Đồng, nằm trong dự án “Tủ sách văn học trong nhà trường”. Không phải một cuốn sách dày cộm, chi chít chữ từ ngoài vào trong như tôi vẫn thường nghĩ. Quyển sách in khổ 13×19 cm, nhỏ gọn, vừa tay cầm. Càng nhìn, tôi càng bị bìa nó thu hút. Thật đấy! Một hàng chữ tên tác giả, tên sách ngay ngắn ở góc trái, phía dưới là căn nhà sàn, xa xa là núi, trên nền xanh là rừng. Một cách rất Tây Bắc, rất đơn giản nhưng rất đặc trưng.

TRUYỆN TÂY BẮC- TÔ HOÀI - VitanContest - VitanEdu
Truyện Tây Bắc

“Truyện Tây Bắc” là tác phẩm văn học thời kì kháng chiến thành công bậc nhất của nhà văn Tô Hoài. Có lẽ không cần nói nhiều vì chúng ta đã biết đến ông qua “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “O chuột”,… Ra đời năm 1953, đến nay đã gần một thế kỷ, nhưng quyển sách vẫn có sức sống mãnh liệt, ý nghĩa còn mãi với thời gian.

Sau hành trình 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, ông đã gắn bó sâu sắc, nghĩa tình với các dân tộc vùng núi ấy: Thái, Mường, H’mông… Chính mảnh đất hiện thực màu mỡ ấy là nền tảng cốt lõi để ông tạo ra một “Truyện Tây Bắc” đầy ý nghĩa. Quyển sách đặc biệt với tôi, mà thi thoảng tôi vẫn lấy ra đọc dù bây giờ có nhiều quyển sách văn học kín cả ngăn tủ. Mở trang sách ra, và cảm nhận nó…

Mua sách ngay trên Shopee

Tóm tắt nội dung Truyện Tây Bắc

Truyện Tây Bắc gồm 3 truyện: Cứu đất cứu mường, Mường giơn, Vợ chồng A Phủ. “Cứu nước cứu mường” là chuyện về cuộc đời bà Ảng, “Mường giơn” kể về cuộc sống khổ cực của nhà ông Mờng, “Vợ chồng A Phủ” là cuộc đời của cô Mỵ và A Phủ.

Nhà văn Tô Hoài

Ba câu chuyện, ba hoàn cảnh tuy khác nhau nhưng đều nói về con người Tây Bắc, nỗi khổ cùng với lòng yêu nước của họ. Tây Bắc hùng vĩ hiện lên trước mắt tôi: núi non trập trùng, thung sâu hun hút. Không hư ảo như tôi nghĩ, mà chân thực đến lạ kỳ. Đọc truyện khiến tôi có cảm giác chính mình đang ở Tây Bắc, đang sắp bước vào hành trình của tác giả, theo chân ông đến các thung lũng, bước cùng những con người ở đấy. Tây Bắc như thế, đẹp nhưng lại lầm than cơ cực.

“Bà giãy giụa: “Thóc tao! Thóc của tao! Cầm Né! Cầm Né! Con mày đốt thóc của mẹ con tao đấy ư?” Châu đoàn Vàng bước lại, giơ tay đánh bà Ảng hai báng súng. Mặt bà đâm vào gốc cây. Bà Ảng chết dưới gốc xoan.” Câu văn bóc trần cái chết bi thảm của bà Ảng đã ám ảnh tôi mỗi khi đọc quyển sách. Vâng, Truyện Tây Bắc chính là một bản cáo trạng tố cáo thực dân Pháp, tố cáo chế độ phong kiến miền núi cùng các hủ tục “vớ vẩn” của nó đè lên người dân, một cáo trạng hùng hồn, đanh thép, nhưng đậm tính nhân văn.

Mua sách ngay trên Lazada

Đánh giá – Cảm nhận Truyện Tây Bắc

Xuyên suốt câu chuyện, ta thấy những số phận bi thương của đồng bào mình: họ bị chiếm đoạt nhà cửa, vợ con, tất cả mọi thứ, bị vắt kiệt sức. Thanh niên bị bắt đi phu, đi lính, phụ nữ dù có chồng hay chưa vẫn bị bắt đi hầu quan, “làm việc như trâu như ngựa”.

“Anh nghe anh đừng khóc
Tây về ăn hết trâu, hết lợn, hết rượu, hết gạo
Không trả một đồng tiền.”

Tôi khóc trước cái chết của bà Ảng, người phụ nữ sống cả cuộc đời chỉ để mua vui cho quan lại, rồi chữa hoang, rồi con bị bắt. Tôi chưa bao giờ nghĩ về những con người như thế, họ quá đỗi đáng thương, số phận quá đỗi bi đát. Đọc tới những đoạn ấy, trong lòng như nghẹn hẳn lại, như có gì bóp chặt lại, chua xót đến khó tả.

Tôi phẫn nộ thực sự khi đọc từng dòng về Mỵ. Một cô con dâu gạt nợ, chôn vùi thanh xuân trong nhà tên ác bá, sống như trâu ngựa. Tội ác của A Sử, cha con nhà Thống lí Pá Tra được miêu tả tinh tế, khiến ta đã căm hờn lại tức giận hơn trước lũ phong kiến. Tôi chưa bao giờ nghĩ tuổi trẻ, sự tự do – thứ mà chúng ta có thừa – lại đáng quý biết nhường nào với Mỵ, với người con gái trong xã hội ấy. Than ôi! Cái sự mục nát đó khiến con người ta bị đọa đày, thanh xuân, ước mơ, tình yêu, cuộc đời của họ bị vùi dập theo đủ cách, được diễn tả sinh động đến mức khiến tôi từng ám ảnh.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài
Vợ Chồng A Phủ

Tôi cũng thấy vui hơn khi có những con người nô lệ vùng lên. Trong mỗi câu chuyện, ta đoán thấy những cô Ính, chàng Sạ, Nhẫn, A Phủ, những con người sẽ trở thành một phần của cách mạng, cứu mình, cứu đời. Tất cả các truyện đều hướng vào đề cao tinh thần giác ngộ cách mạng của người dân Tây Bắc. Chỉ có con đường đó mới khiến họ được giải phóng bản thân khỏi cùm kẹp của thực dân và phong kiến. Qua đó, Tô Hoài đã thành công ca ngợi lòng yêu nước, yêu độc lập tự do, đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay về tinh thần yêu nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Nhưng không chỉ như vậy, Truyện Tây Bắc còn là một bản tình ca. Xen lẫn trong những câu chuyện đầy căm phẫn ấy là một Tây Bắc xinh đẹp. Xen lẫn những cổ tục tàn ác, tác giả đã làm sống dậy những phong tục đáng gìn giữ của người dân tộc vùng núi. Đó là những câu hát, lễ hội. Trong cái đau thương vẫn còn những điều đẹp đẽ, lung linh.

Vỏn vẹn hơn 200 trang, từng câu, từng chữ trong Truyện Tây Bắc đã khắc họa những nỗi đau thương của đồng bào miền Tây Bắc, vẽ ra trước mắt bạn đọc, trước mắt thế hệ hôm nay, và cả tôi nữa, cuộc sống của đồng bào những năm tháng đen tối. Ngày hôm nay đọc lại những trang sách ấy, ta càng hiểu hơn về cuộc đời, số phận bi đát, đau khổ của họ. Quyển sách khiến tôi khóc, khiến tôi cười, khiến tôi xúc động.

Vợ chồng A Phủ: Vẻ đẹp của người dân miền núi Tây Bắc - Revelogue
Truyện Tây Bắc trên tay bạn đọc

Nó đã cho tôi cơ hội biết nhiều hơn bản sắc ở Tây Bắc, yêu hơn những dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Quyển sách đã thay đổi cách nhìn của tôi đối thể loại văn học, và cái nhìn của tôi đối với cuộc đời. Văn không còn nhạt nhẽo, xa rời thực tế như tôi từng gán cho nó. Tôi yêu văn hơn, yêu vì giá trị hiện thực của nó. Tôi hiểu hơn về một cái thế giới mà tôi chưa từng nghĩ tới.

Mua sách ngay trên Tiki

Truyện Tây Bắc là một quyển sách văn học đáng đọc bởi những giá trị mà nó mang lại. Chắc ai đó từng nghĩ: “Văn học thì có vận dụng gì vào thực tế.” Không, tôi không nghĩ vậy. Thông qua quyển sách, tôi ý thức hơn về tầm quan trọng của độc lập, tự do, và nhiệm vụ của học sinh chúng ta đối với đất nước. Tôi, bạn, và chúng ta cần cố gắng học để trở thành những con người có ích, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không những thế, ta cần đoàn kết, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao phát triển cuộc sống của họ. Tôi không còn tránh né văn học nữa, và tôi mong bạn cũng thế. “Văn là đời”. Thông qua bài viết, tôi muốn lan tỏa tinh thần đọc sách đến mọi người, đặc biệt là thể loại văn học. Bạn nên tìm đọc quyển sách thử nhé, vì biết đâu bạn cũng giống tôi: yêu văn hơn, yêu đời hơn!

Tác giả: Mai Như Ý

Đơn vị: Đoàn Trường THCS TT Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú

Truy cập Thạch Nam Thư Quán để đọc thêm nhiều bài viết khác nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!!!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *