Những Người Đàn Bà – A Woman Is No Man

Những Người Đàn Bà – A Woman Is No Man là câu chuyện đầy đau đớn, dữ dội về số phận của những người phụ nữ yếm thế trong xã hội Palestine. Quyển sách này được xuất bản vào năm 2019 và nằm trong danh sách bán chạy của  New York Times trong một gian dài. Những Người Đàn Bà cũng được Amazon bình chọn là cuốn sách viết về phụ nữ hay nhất năm, một cuốn sách viết về những giá trị đích thực của một người phụ nữ.

Giới thiệu sơ lược

Những Người Đàn Bà là tác phẩm đầu tiên của nhà văn nữ Etaf Rum – Một tiểu thuyết gia trẻ tuổi sinh năm 1989 và là người Mỹ gốc Palestine. Etaf Rum sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Ả Rập truyền thống ở Brooklyn NewYork.

Etaf Rum
Etaf Rum

Lý do mình trích thông tin của tác giả ra như vậy là khi đọc sách, mình hiếm khi quan tâm đến thôn g tin của tác giả. Trừ khi đó là một trong những tác giả ruột của mình và sắp ra đầu sách mới. Nhưng Những Người Đàn Bà đã khiến mình sau khi đọc hơn 100 trang phải quay đi tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn nữ này bởi nội dung và phong cách viết khá ấn tượng.

Đầu tiên có thể kể đến đó là tựa đề sách “Những Người Đàn Bà – A Woman Is No Man” đã phần nào thể hiện được ẩn ý của tác giả. Khiến người đọc có cảm giác ở đây phụ nữ có thể không được trân trọng, không được đối xử như những con người.

Tóm tắt nội dung Những Người Đàn Bà – A Woman Is No Man

Những Người Đàn Bà – Là quyển tiểu thuyết với độ dài hơn 400 trang sách có nội dung chủ yếu về cuộc đời của những người phụ nữ Ả rập. Cụ thể là ở khu vực Palestine với 3 thế hệ khác nhau với 3 nhân vật xuyên suốt toàn bộ câu chuyện đó là Isra, Deya và Fareeda. Qua đó giúp tất cả những suy nghĩ, hành động hay vấn đề mà những người phụ nữ ở khu vực này gặp phải đều được tác giả Etaf Rum tái hiện một cách chân thực nhất.

Những Người Đàn Bà
Những Người Đàn Bà

Lúc mới đầu, khi mới chỉ nhìn vào mục lục mình tưởng chừng đó chỉ là câu chuyện của 3 người phụ nữ khác nhau. Thông qua các khung thời gian hiện tại và quá khứ đan xen để tái hiện toàn bộ câu chuyện như những quyển tiểu thuyết khác. Nhưng khi bắt đầu đọc kỹ vào từng phần, mình mới thấy rõ được sợi dây liên kết giữa các nhân vật và đời sống tinh thần của họ. Nó có phần khác biệt hơn những nhân vật trong các quyển tiểu thuyết khác.

Dù là Deya, Isra hay Fareeda họ đều rơi vào cùng hoàn cảnh gần như giống nhau. Bị áp đặt trong hôn nhân từ những cuộc mai mối không tình yêu. Những lần bị đánh đập vì cái suy nghĩ ”phụ nữ không nên như thế”. Deya – một cô bé 18 tuổi với cá tính mạnh mẽ suy nghĩ chín chắn, đã phải trải qua nhiều cuộc gặp với người cầu hôn mình không hề quen biết. Những người con gái ở miền đất ấy đã vẫn luôn được nuôi dưỡng trong đầu cái suy nghĩ ”Rằng anh muốn làm gì cũng được vì anh là đàn ông” và ”Đó là thế giới mà chúng ta đang sống”.

Đánh giá – Cảm nhận Những Người Đàn Bà

Với giọng văn mô tả thực và sống động, Etaf Rum đã mang lại cả nền văn hoá Ả rập đến cho bạn đọc. Phô bày một nền văn hoá cổ hủ không chút giấu diếm, truyền thống trọng nam khinh nữ được bộc lộ một cách khéo léo khiến mình dễ dàng cảm thấy đồng cảm được với mỗi nhân vật trong truyện. Một chút thương xót, một chút ngưỡng mộ, có đôi khi thấy hơi bất lực và khó chịu với sự nhu nhược của người phụ nữ thế hệ xưa.

Những Người Đàn Bà trên tay bạn đọc
Những Người Đàn Bà trên tay bạn đọc

Cũng không phải tự nhiên Amazon lại cho rằng đây là tác phẩm hay nhất của năm viết về người phụ nữ hay nó thuộc trong những cuốn New York Times best seller. Có thể khi đọc tác phẩm này chúng ta sẽ vẫn thấy được phảng phất đâu đó sự đồng điệu và quen thuộc, vì chính tại Việt Nam này cũng đã và vẫn đang tồn tại cái nền văn hoá, truyền thống cổ hủ đấy.

Chắc cũng khó có ai có thể tưởng tượng được cái sự thật trần trụi ấy lại được tái hiện lại qua giọng văn trẻ như vậy. So với một tác phẩm đầu tay thì Etaf Rum đã thực sự làm nên một điều kì diệu, văn phong tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có một chút tính toán.

Để mà đánh giá thì mình thấy đây là một tiểu thuyết hay với nội dung cuốn hút người đọc, những cú plot twist và sự bất ngờ sẽ đến với các bạn từ phần nọ sang phần kia. Nhằm muốn bộc lộ rõ được bản chất của những câu chuyện đáng khinh bỉ ấy, nhà văn đã vẫn giữ nguyên một số từ ngữ đặc trưng của nơi đây.

Trên đây là bài viết cung cấp thông tin về quyển tiểu thuyết Những Người Đàn Bà – A Woman Is No Man. Hy vọng thông qua nó, các bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về tác phẩm này, từ đó quyết định có nên đọc hay không. Còn nếu bạn đã đọc qua tác phẩm này rồi và có góc nhìn khác thì có thể để lại bình luận bên dưới. Thạch Nam Thư Quán xin chân thành cảm ơn!

One thought on “Những Người Đàn Bà – A Woman Is No Man

  1. Ngô Quang says:

    Đây là cuốn tiểu thuyết của một nữ nhà văn trẻ người Mỹ gốc Palestine Etaf Rum. Nó thực sự đã chạm đến trái tim tôi bởi những nỗi đau và tủi hờn của người phụ nữ Ả Rập trong thời kỳ xưa cũ cũng như hạnh phúc khi họ đã quyết tâm tìm ra con đường giải phóng bản thân khỏi những quan niệm cổ hủ bảo thu và lạc hậu.
    Là câu chuyện đầy đau đớn, dữ dội về số phận của những người phụ nữ yếm thế trong xã hội Palestine. Họ không có tiếng nói ngay trong gia đình mình, lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ và chỉ quẩn quanh bên căn bếp, chăm lo con cái.
    Sinh ra là con gái trong gia đình Ả Rập là điều bất hạnh, bởi ngay từ lúc chào đời, bé gái sơ sinh đã bị hắt hủi.
    Mọi người trong nhà luôn mong muốn có con trai để gánh vác việc gia đình. Tuy vậy, họ luôn quên mất chính con gái mới là người giúp đỡ mẹ trong việc nhà và nấu nướng. Nếu không có con gái, con trai họ sẽ chẳng bao giờ cưới được một cô dâu về nhà.
    Vậy nên, khi Isra sinh liên tiếp 4 đứa con gái, Fareeda và Adam, cũng như những thành viên trong nhà, đều không vừa lòng. Họ coi đó là gánh nặng chồng chất lên tài chính của gia đình.
    Phụ nữ không được đọc sách, không được học đại học, thậm chí còn không được nhắc về tình yêu và hạnh phúc.
    Vậy nên, Fareeda, Isra, Sarah và cả Deya đều bị giục và bị bắt đi xem mặt khi mới 16, 17 và 18 tuổi. Isra và cô em chồng Sarah đã không biết bao nhiêu lần phải đọc sách vụng trộm để khỏa lấp nỗi cô đơn và bí bách trong nhà.
    Dù hết lần này đến lần khác bị vùi dập, họ vẫn mang trong mình sức mạnh phi thường và lòng dũng cảm, chờ đợi để vùng lên và tìm tiếng nói cho chính mình.
    Nhan đề cuốn sách Những người đàn bà là ẩn ý đầy thú vị. Nhan đề của cuốn sách chữ “người” đã bị gạch bỏ ngay trên chính bìa sách. Thể hiện một sự tước bỏ quyền con người của những người phụ nữ Palestine
    Những người đàn bà, họ sinh ra là một nửa còn lại của thế giới nhưng lại không được hưởng quyền đáng có của một con người, quyền được công nhận, được trân trọng và được yêu thương.
    Đây là muốn cuốn sách khá hay và tràn đầy cảm xúc tuy có nhiều nỗi buồn nhưng đoạn cuối lại là một khởi đầu mới đầy hy vọng cho một tương lại tươi sáng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *