Review Tôi tự học

Giáo dục hiện nay đang là một vấn đề nóng được bàn luận nhiều, tuy nhiên đây không phải là một vấn đề mới. Nhiều năm trước cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã cho ra mắt tác phẩm Tôi tự học với nhiều kinh nghiệm quý báu. Quyển sách là một tài liệu hữu ích để các bạn học sinh hay sinh viên tham khảo, sắp xếp lại việc học của mình hợp lý và khoa học. Ngoài ra các bậc cha mẹ cũng nên tham khảo để định hướng và tư vấn cho con em mình trong quá trình học tập.

Thông tin cơ bản về Tôi tự học

Tôi tự học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961. Quyển sách có nội dung chủ yếu về những khái niệm và mục đích của học vấn. Kèm theo đó là những phương pháp tự học và làm việc một cách đúng đắn, hiệu quả từ các bậc tiền nhân. Mặc dù là một tác phẩm đã được xuất bản từ khá lâu nhưng Tôi tự học vẫn mang lại nhiều giá trị hữu ích cho độc giả.

Bìa sách Tôi tự học
Bìa sách Tôi tự học

Tuy Tôi tự học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần không thuộc vào loại dễ đọc, nhưng lại phù hợp với mọi người. Quyển sách này có thể dành cho bất kỳ ai bởi việc học là không có giới hạn và việc thu thập kiến thức là cần thiết cho tất cả mọi người. Đặc biệt, với những bạn học sinh, sinh viên, cuốn sách là tài liệu quý báu giúp các bạn tham khảo và sắp xếp lại việc học của mình. Với những bậc phụ huynh, Tôi tự học giúp các bạn có thể định hướng việc học cho con em của mình.

Cảm nhận về cuốn sách “Tôi tự học” 

Tôi tự học có thể là một trong số những quyển sách nhập môn cho những người mới bước vào con đường tự học. Quyển sách giúp chúng ta hiểu rõ được nhiều vấn đề tương quan với cách học hiện tại của bản thân và những phương pháp khác. Từ đó có những thay đổi phù hợp để đạt hiệu quả học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, đây là một quyển sách nặng về nội dung, vì vậy nếu muốn hiểu hết những giá trị mà tác giả muốn truyền tải. Bạn nên đọc lại nhiều lần và mỗi lần lại cách nhau một khoảng thời gian để có thời gian suy ngẫm, so sánh.

Cảm nhận về quyển sách
Cảm nhận về quyển sách

Điểm trừ duy nhất của Tôi tự học có lẽ là lối hành văn mang phong cách có phần đã cũ, cũng như một số phương pháp học tập khá khắt khe không còn phù hợp với thời đại mới. Tuy nhiên mình chắc rằng nếu bỏ qua hết những ý kiến chủ quan, bạn đọc nào cũng có thể lựa chọn được cho mình một phương pháp học phù hợp để áp dụng cho bản thân.

Một vài điểm nhấn của tác phẩm

1. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và hành cần phải hợp nhất mới được gọi là người “có học thức”.

2. Người xưa ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ”. Học mà không “tiêu hóa”, có khác nào con chiên nhỏ cỏ, con tằm nhả dâu. Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những điều kẻ khác đã nói. Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc.

Nguyễn Duy Cần

3. Những thuận tiện cho sự tự học:

Thời gian: Thiếu thời gian, cái học của con người chỉ có bề rộng, kém bề sâu, hay cũng chỉ có được nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi. Chấp thời gian là phản văn hóa.

Tinh thần tản mát: Phải biết bênh vực thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: Mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người khác.

Đời sống đơn giản: Lầm cái phụ với cái chính, lầm hình thức với nội dung, có thể nói đó là cái thông bệnh của phần đông người đời nay vậy.

Sự tập trung tinh thần:Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.

Óc tổng quan: Óc tổng quan thực là khuynh hướng chống lại với sự tản mát tinh thần, chống lại với sự phung phí tư tưởng vào những chi li vụn vặt.

Óc nhân quả: Không có gì ngẫu nhiên cả, tất thảy đều có lý của nó.

Óc tế nhị: Những người có đầu óc tinh nhuệ mới nhận thấy được sự khác nhau trong sự vật, những đầu óc tầm thường chỉ thấy toàn những sự giống nhau mà thôi.

Óc thán tưởng: Tất cả mọi người đều ao ước có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, đầu kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ: Cái gì mình mới lạ và làm cho ta ngạc nhiên được cả.

4. Những thứ nên đọc:

Đọc tiểu thuyết tâm lý

Đọc sử

Đọc báo

Đọc những sách sách thiên văn và địa lý

co hai thu can hoc

5. Ba yếu tố chính để xây dựng một nền văn hóa vững vàng

Óc khoa học: Tạo cho mình có một đầu óc khoa học là phát huy được cái khiếu ham chứng minh và lý luận, đồng thời phân biệt được rõ ràng thế nào chứng minh luận cứ, thế nào là thực nghiệm.

Óc triết học: Triết học phải là cứu cánh của tất cả mọi ngành học, mỗi khoa học là mỗi con đường, chung quy rồi cũng phải đổ dồn về một mối, là triết học.

Biết cảm xúc: Điều kiện cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc hơn.

8. Các nguyên tắc làm việc:

Nguyên tắc 1: Đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công.

Nguyên tắc 2: Để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn.

Nguyên tắc 3: Bất cứ môn học nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn.

Nguyên tắc 4: Biết lựa chọn.

Nguyên tắc 5: Phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật.

Nguyên tắc 6: Biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút.

Nguyên tắc 7: Hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai.

Nguyên tắc 8: Muốn làm việc cho có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào.

Trên đây là bài review Tôi tự học của tác giả Nguyễn Duy Cần, hy vọng bài viết này đã cung cấp được những thông tin mà bạn cần biết về tác phẩm này. Vì đây là bài viết mang tính chủ quan nên nếu bạn đã đọc rồi và có ý kiến khác thì vui lòng để lại bình luận bên dưới. Thạch Nam Thư Quán xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *