Tác giả Cổ Long

Tác giả Cổ Long là một tác gia chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp người Đài Loan, ông nổi tiếng vào giai đoạn cuối thế kỷ 20. Cổ Long được cho là người khơi nguồn cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp tân phái, ngoài viết tiểu thuyết ông cũng là một nhà biên kịch, sản xuất và là đạo diễn của nhiều bộ phim lớn. Những tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình nhiều lần. Trong đó tác phẩm được dựng thành phim nhiều nhất là Tiêu Thập Nhất Lang.

Tiểu sử tác giả Cổ Long

Tác giả Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa (熊耀華) sinh năm 1938 và mất năm 1985. Từ nhỏ Cổ Long đã đọc và rất yêu thích các tác phẩm võ hiệp cổ đại của Trung Quốc. Vài năm sau, ông còn đọc thêm các bộ tiểu thuyết cận đại của Nhật Bản và các tác phẩm văn học phương Tây. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu từ rất sớm.

Tác giả Cổ Long
Tác giả Cổ Long

Từ năm thứ hai ở Bộ Sơ trung, Cổ Long đã bắt đầu phiên dịch các tác phẩm văn học ngắn của phương Tây. Năm 1956 ông được khoản nhuận bút đầu tiên từ bài văn Từ miền Bắc đến miền Nam đăng ở tạp chí Ánh Mai. Từ đây ông có động lực viết thêm nhiều bài văn xuôi và bộ tiểu thuyết khác. Cổ Long chính thức sống bằng nghề viết văn sau khi bỏ ngang chương trình đại học ở năm thứ 2. Bộ truyện mở đầu cho sự nghiệp viết tiểu thuyết của ông là Thương khung thần kiếm ra mắt năm 1960 dưới sự ủng hộ của bạn bè.

Sự nghiệp của Cổ Long chín muồi vào giai đoạn 1965, lúc bấy giờ ông có thể viết cùng lúc vài bộ tiểu thuyết nhưng vẫn đảm bảo nội dung đặc sắc và sớm hơn deadline. Những bộ tiểu thuyết tiêu biểu của Cổ Long trong giai đoạn này là: Võ lâm ngoại sử, Sở Lưu Hương hệ liệt, Tiểu Lý Phi Đao hệ liệt, Lục Tiểu Phụng hệ liệt, Tiêu thập nhất lang,…

Sau giai đoạn vàng, sức khoẻ của Cổ Long yếu dần nên nhiệt huyết phong độ của ông trong việc sáng tác ngày càng đi xuống. Từ đó cho ra đời những tác phẩm đầu voi đuôi chuột, thậm chí có rất nhiều tác phẩm bỏ ngang nửa chừng. Khiến nhà xuất bản phải tìm những sinh viên có khả năng để viết tiếp phần kết dưới bút danh Thượng Quan Đỉnh.

Cổ Long là một người có giao thiệp rộng rãi và đối xử với mọi người rất tốt, có những nhân vật trong tác phẩm của ông được lấy khuôn mẫu từ ngoài đời. Bên cạnh đó, Cổ Long cũng là một người đào hoa, ông có mối quan hệ với rất nhiều người phụ nữ trong cuộc đời mình. Cổ Long mất vào ngày 21/9/1985 vì biến chứng của bệnh xơ gan, hưởng dương 48 tuổi. Ông ra đi đã để lại rất nhiều tiếc nuối trong lòng những người yêu tiểu thuyết võ hiệp.

Người ta lưu truyền rằng bút danh của ông có liên quan đến một người con gái xinh đẹp tên Cổ Phụng. Sau khi bị từ chối tình cảm, vì muốn Cổ Phụng mãi mãi nhớ đến mình, Hùng Diệu Hoa đã chọn bút danh Cổ Long.

Tiểu thuyết của Cổ Long

Tiểu thuyết của Cổ Long được lòng độc giả bởi phong cách hiện đại, chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc khiến người đọc phải suy ngẫm. Điều này khiến tiểu thuyết của ông khác biệt hẳn so với các tiểu thuyết trước đó cũng như những tiểu thuyết cùng thời. Về phần nội dung, tiểu thuyết của Cổ Long hoàn toàn hư cấu về không gian cũng như thời gian, tuy nhiên mối quan hệ của các nhân vật lại rất chân thật. Có lẽ đều được ông lấy khuôn mẫu từ những mối quan hệ ngoài đời của mình.

Tuyệt Đại Song Kiêu chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Cổ Long
Tuyệt Đại Song Kiêu chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Cổ Long

Tiểu thuyết của Cổ Long không miêu tả kỹ về xuất thân và võ công của nhân vật như những tác phẩm khác. Ông chủ yếu xoay quanh nội tâm của các nhân vật. Thông thường thì nhân vật chính trong truyện Cổ Long không phải những mẫu anh hùng toàn diện điển hình. Mà họ là một con người thực, có xấu có tốt, có đúng có sai và ham mê tửu sắc giống như bản thân ông ngoài đời. Kết thúc truyện của Cổ Long đôi khi có cái kết rất dở dang nhưng chính sự dở dang đó đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Sự nghiệp sáng tác của Cổ Long có thể chia ra làm 3 giai đoạn là:

  • Cổ Long thời kỳ đầu (1960-1964): giai đoạn này Cổ Long còn chưa định hình được phong cách. Tiểu thuyết của ông không có gì đặc biệt.
  • Thời kỳ đỉnh cao (1965-1979): Giai đoạn sung sức nhất với những tác phẩm đưa Cổ Long lên ngang hàng với Kim Dung. Trở thành một trong hai tác giả lớn nhất của làng tiểu thuyết võ hiệp.
  • Giai đoạn cuối (1980 – 1985): Do hậu quả của lối sống phóng túng, sức khoẻ của ông kém dần. Không còn nhiều ý tưởng và thường không còn viết được trọn một tác phẩm nào.

Nếu muốn tìm hiểu về tác phẩm của Cổ Long mà không biết bắt đầu từ đâu, mình xin gợi ý một vài tác phẩm tiêu biểu là: Sở Lưu Hương, Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao, Tuyệt Đại Song Kiêu, Lục Tiểu Phụng Truyền Kỳ.

15 câu nói kinh điển trong tác phẩm của Cổ Long

1. Một người bạn đáng tin cậy nhất thường là kẻ thù đáng sợ nhất, nhưng kẻ thù đáng sợ nhất lại là người bạn tri kỷ nhất. Bởi vì chỉ có kẻ thù mới là người hiểu bạn nhất.

2. Quên đi cái ơn của người khác thì dễ dàng, nhưng quên đi mối thù với người khác thì lại quá khó, thế nên trên đời này nỗi buồn lúc nào cũng nhiều hơn niềm vui.

3. Nếu một người nhận ra mình là một kẻ ngốc, điều đó có nghĩa là người đó đã dần trở nên khôn ngoan hơn.

4. Người thất tình nếu biết người khác cũng thất tình, nỗi đau sẽ vơi đi, người mất tiền nếu biết người khác còn mất tiền nhiều hơn mình thì sẽ tự cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

5. Một người có quan tâm đến người yêu của mình nhiều bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ dần phai nhạt theo thời gian, nhưng đối với kẻ thù của mình thì lại khác.

6. Hầu hết mọi người phải nhìn thấy một cái gì đó trước mắt, xem nó trông như thế nào thì mới sẵn sàng thừa nhận giá trị của nó, nhưng họ không biết rằng giá trị của cái vô hình đôi khi còn cao hơn rất nhiều so với những thứ hữu hình.

7. Khi phát hiện ra giá trị đích thực của mình, người ta luôn cảm thấy mình đã mất đi một thứ gì đó, đó là một trong những nỗi buồn khó tránh khỏi của con người.

8. Người càng sống tình cảm càng dễ trở nên tàn nhẫn.

9. Rượu ngon càng ủ càng thơm, phụ nữ càng có tuổi càng quyến rũ.

10. Chỉ có những người biết đủ mới là người hạnh phúc thực sự.

11. Hầu hết mọi người trên thế giới này đều sống vì người khác – một số là vì những người họ yêu, và một số là vì những người họ ghét – cả hai đều đau đớn như nhau.

12. Những người “biết” nói, thường là những người không nói.

13. Đời người có 3 việc không nên làm, làm rồi ắt hối hận, đó là đánh bạc với con nghiện, đo tửu lượng với kẻ nát rượu, và trước mặt vợ mình mà dám khen người phụ nữ khác xinh đẹp.

14. Hai người cách xa nhau về trí tuệ có thể trở thành bạn, nhưng sẽ không bao giờ trở thành kẻ thù.

15. Nếu võ công của một người đã đạt đến đỉnh cao, trong lòng sẽ có một loại sợ hãi, đó là sợ người khác đuổi kịp mình, sợ rằng mình sẽ thụt lùi. Những lúc như vậy, ta thường nghĩ đến việc trốn tránh, không dám làm gì.

Trên đây là bài viết cung cấp một vài thông tin về tác giả Cổ Long cho các bạn muốn tìm hiểu. Nếu có gì sai sót các bạn có thể liên hệ Thạch Nam Thư Quán để mình cập nhật lại thông tin sớm nhất có thể nhé. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *